DU HỌC NGHỀ ĐỨC, ĐI KHÔNG ĐƯỢC Ở KHÔNG XONG?

1. Những lựa chọn mang tính quyết định cho tương lai

Khi mà quý phụ huynh, cũng như các bạn học sinh đang không biết nên lựa chọn hướng đi nào cho con em mình sau khi tốt nghiệp cấp 3. Vì học ở trong nước khi tốt nghiệp ra trường đi làm, để xin được một công việc có lương tốt là việc rất khó đối với các bạn trẻ, còn để có một việc lương 5 – 6 triệu/tháng thì không cần thiết phải đi học Đại học, vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa, học xong cấp 3 là có thể vào các khu công nghiệp làm công nhân, tháng cũng kiếm được 7 – 8 triệu rồi. Sau 3 – 4 năm, có chút vốn và tính chuyện xây dựng gia đình, yên bề gia thất. Trong lúc đang băn khoăn về hướng đi cho con em mình, thì nhiều gia đình đã nhận được thông tin tư vấn từ bác trưởng thôn, từ cô hàng xóm, “môi giới” chuyên đưa người đi lao động tư vấn có một chương trình rất hay đó là đi Du Học Nghề Đức với những ưu điểm mà KEY EDU đã trao đổi liệt kê ở trên, kèm thêm một tiếng thở dài:

“Ôi trời!!! Giá như tôi còn trẻ như chúng nó thì có bán nhà tôi cũng quyết tâm đi du học nghề Đức cho đỡ khổ, chứ cả cuộc đời cắm mặt vào mấy sào ruộng làm quần quật hàng chục năm thì số tiền tiết kiệm được cũng không bằng một tháng làm thêm nó gửi về cho bố mẹ. Ước gì….!!!”

Từng câu, từng chữ như mê hoặc người nghe với những mơ ước phủ đầy màu hồng về một “miền đất hứa với” cơ hội đổi đời.

Thế nhưng, các bạn hãy cùng “tỉnh thức” lại một chút, hãy cùng KEY EDU đi tìm hiểu những hình ảnh thực tế để các bạn có cái nhìn đa chiều trước khi quyết định, có nên chọn đi du học nghề? Và việc du học nghề cần phải chuẩn bị những gì? Hãy cùng tìm hiểu ở phần nội dung dưới đây nhé:

2. Những khó khăn và trở ngại khi đi du học nghề Đức

Trong chuyến công tác gặp gỡ đối tác, chúng tôi đã được tiếp xúc với một số du học sinh và người thân đi theo diện du học nghề Đức. Qua đó có được sự trải lòng sâu sắc về thực tế của chương trình du học nghề Đức, với những khó khăn mà các bạn du học sinh đang phải đối mặt, khi đặt chân tới “miền đất hứa” của CHLB Đức.

2.1. Trở ngại về mặt ngôn ngữ

Các bạn đều biết, điều kiện đầu tiên để có thể làm visa đi du học nghề Đức đó là trình độ tiếng Đức phải đạt B1 đủ bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Tiếng Đức là một ngôn ngữ hoàn toàn mới đối với tất cả các bạn, từ cấp 1 đến cấp 3 đa phần học sinh được tiếp xúc đó là tiếng Anh, một số trường là tiếng Trung hoặc tiếng Nhật. Vì thế, khi tiếp xúc với tiếng Đức – một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, đại đa phần các bạn đều gặp trở ngại.

Theo cuộc khảo sát về việc học tiếng Đức của học sinh, thì các bạn học sinh phải học liên tục các ngày trong tuần và phải mất thời gian ít nhất 1 năm mới có thể hoàn thành đủ bốn kỹ năng của B1.

Khi được hỏi về việc đã có B1, khi sang Đức với trình độ B1 thì các bạn có gặp khó khăn trong giao tiếp với người Đức hay không? Thì hầu hết câu trả lời nhận được đó là: Dù có năng lực B1 thực sự, thì sang Đức vẫn sẽ vấp phải muôn vàn những khó khăn trong giao tiếp với người bản xứ, khi lên lớp, đi thực tập hay khi đi làm thêm,… Vì người Đức nói rất nhanh và khó nghe, cùng với những từ ngữ chuyên ngành, tiếng lóng,… Khiến các bạn khó bắt kịp và hiểu hết ý người nói muốn truyền đạt. Nên cảm giác cái đầu lúc nào cũng như muốn “nổ tung” khi nghe giáo viên nói mà mình chẳng hiểu gì cả.

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát của rất nhiều học sinh, sau khi sang Đức được một thời gian, do không nghe hiểu được bài giáo viên giảng, đi làm thêm một tháng được 950 – 1000 Euro sau khi trừ thuế, bảo hiểm về tay còn 600 – 700 Euro (tương đương với khoảng 15 ~ 16 triệu tiền Việt). Với khoản tiền đó thì các bạn du học sinh chỉ đủ tiền sinh hoạt, đi lại. Chứ việc tiết kiệm được từ 30 – 50 triệu/ tháng là “bánh vẽ” do các công ty thổi phồng lên.

Ở cái độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, ở nhà thì được bố mẹ cưng chiều “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” đã phải bước sang một môi trường hoàn toàn mới về văn hóa, cuộc sống, tác phong, cộng với việc, phải tự lập khi phải xa gia đình, tự lo liệu tất cả từ bữa ăn, giấc ngủ, học tập, đi làm,… và điều quan trọng là nó khác xa so với những gì nhận được khi nghe tư vấn.

Nhiều bạn sau khi tới Đức đã rơi vào tình trạng Stress rất nặng. Ở lại học thì không hiểu gì, đi làm thêm khi không có tiếng thì chỉ được nhận những công việc chân tay vất vả với mức lương thấp. Trong khi nhiều gia đình cũng khó khăn, sinh sống ở nông thôn với thu nhập thấp, do biết là không phải đóng tiền học nghề tại Đức, nên rất nhiều gia đình chấp nhận bán cái này, cái kia, cắm sổ đỏ để vay tiền,… Dồn hết những gì mà cả gia đình đã chắt chiu biết bao năm, để đóng cho con đi du học nghề với chi phí không hề nhỏ khoảng 250 – 300 triệu cho tới lúc bay, trong khi thực tế không hề hết nhiều như vậy. Nhiều gia đình không có tài sản đảm bảo để có thể vay ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp, nên đã phải đi vay bên ngoài, liên hệ với tín dụng đen, lãi suất cao, thì đây quả thực là một áp lực vô cùng lớn đặt lên vai các bạn du học sinh.

Thực tế đi làm thêm chỉ đủ tiền sinh hoạt phí, chứ không phải dư ra mấy chục triệu, để có thể gửi về cho bố mẹ xây nhà, mua xe như những lời “tư vấn có cánh” của những “tư vấn ma”. Nhiều học sinh không có tiền gửi về cho bố mẹ để trả lãi, trả khoản đã vay, đồng nghĩa với việc đẩy cả nhà ra đường, vì sổ đỏ đã phải cầm cố. Tuy nhiên, đa phần các du học sinh tại Đức gặp phải, đó là lỡ sang rồi, đành phải tìm mọi cách để ở lại và lựa chọn duy nhất đó là bỏ trốn sống bất hợp pháp, để đi làm chui kiếm tiền trả nợ. Trong khi nhiều người để sang được châu Âu, họ phải bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để có thể sang châu Âu theo con đường bất hợp pháp và đã gặp phải thảm kịch xảy ra vào 1h05 sáng 23/10/2019 khiến cả thế giới phải bàng hoàng….

2.2. Trở ngại từ việc học và thi tốt nghiệp.

Nhiều bạn khi nghe tư vấn, không biết được thực tế việc học, việc thi cử ở bên Đức như thế nào. Chỉ biết cứ vào học, rồi đến ngày là ra trường đi làm, chắc nó cũng giống như ở Việt Nam. Trên thực thế có phải như vậy không? 

Việc học ở Đức hoàn toàn khác với Việt Nam.

Ở Đức, khi bạn tham gia học nghề, sau 3 năm bạn sẽ phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi này sẽ do bang tổ chức. Nếu thi lần 1 trượt, bạn được phép thi thêm lần nữa. Nếu lần thứ 2 tiếp tục trượt thì bạn sẽ phải học lại từ đầu tại một trường khác, bang khác. Vì vậy, không phải cứ học là sẽ ra được trường theo đúng lộ trình đâu. Ngoài ra, khi vào học chuyên ngành thì giáo viên sẽ sử dụng các ngôn ngữ chuyên ngành. Vì thế, rất nhiều bạn bị choáng vì chẳng hiểu gì cả.

Nhiều bạn được tư vấn những lời có cánh rằng: Sang Đức thì việc đi làm kiếm tiền là chủ yếu, việc đi học chỉ là phụ, nên các bạn rất chủ quan trong việc học. Khi sang tới Đức, thực tế nó hoàn toàn khác so với những gì mà gia đình và các em đã được tư vấn ban đầu, là hàng tháng có thể gửi về nhiều tiền. Tới khi các con không có tiền gửi về, các phụ huynh ở nhà liền hoang mang, trong đầu một suy nghĩ là con em mình sang đó chắc ăn chơi lêu lổng, đua đòi với bạn bè nên mới không có tiền để gửi về nhà,… Cộng thêm việc phải lo toan trả các khoản vay ban đầu lo cho con đi học, đã khiến các bậc phụ huynh gây thêm áp lực cho con em của mình nơi phương xa.

Áp lực thực tế từ cuộc sống, đi làm và đi học + áp lực từ gia đình khi các con em chưa gửi được tiền về cho bố mẹ trả nợ như lời quảng cáo, thì thử hỏi các cháu sẽ sống sao đây? Vì thế các em lại càng mải mê lao vào đi làm để kiếm tiền, dẫn đến kết quả học tập và cả sức khỏe yếu đi, nên sau thời gian 3 năm kết quả học tập kém, thi không qua được kỳ thi tốt nghiệp, không lấy được bằng, chứng chỉ nghề. Đối diện với thực tế nghiệt ngã như vậy, thì thực sự con đường tương lai rất tăm tối. Học hết ba năm, không có bất cứ chứng nhận gì, vì chỉ tập trung đi làm nên tiếng Đức cũng chẳng đâu vào đâu. Nếu về nước, sẽ phải đối mặt với rất nhiều thực tế phũ phàng như: Những ánh mắt dò xét, những lời nói bâng quơ, “tưởng đi du học trời Âu thế nào, hóa ra thì cũng… không bằng tao đi làm công nhân ở nhà”,…

Các bạn biết rằng, quê hương là nơi bình yên nhất để chúng ta trở về sau những chuyến đi dài. Thật tự hào với những người con xa quê thành công trở về thì cả làng, cả họ mở mày mở mặt. Giờ về trong tình trạng như vậy, liệu các bạn trẻ có đủ bản lĩnh tự tin để chấp nhận một sự thật thực tế như vậy không? Vì thế, rất nhiều bạn đã lựa chọn trốn ở lại bất hợp pháp hoặc sang nước khác để sống tị nạn. Các bạn biết rằng, ở nước ngoài nếu không có tư cách lưu trú thì các bạn sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Công an nước ngoài họ kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất rất nghiêm ngặt. Nếu phát hiện người bất hợp pháp, họ sẽ có chế tài mạnh. Ngoài ra, các bạn sẽ gặp nhiều rủi ro từ chủ lao động, vì biết các bạn bất hợp pháp nên các bạn sẽ bị đối xử không tốt như: Có thể quỵt lương, lương thấp,…

Khi bị ốm đau bệnh tật ở xứ người các cháu cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn… Nghĩ tới hình ảnh này thì anh chị và các bạn chắc không khỏi “rùng mình” tỉnh thức nhận ra con đường này nó chông chênh và khó khăn đến nhường nào đúng không ạ?

Thật xót xa và thương thay cho những cánh chim non nớt, mới bước vào đời đã bị vùi dập vì những thực tế phũ phàng và chua xót như vậy.

2.3. Trở ngại ở cơ hội định cư

Theo thống kê hiện nay dân số Đức khoảng 83.7 triệu với diện tích 348.520 km2. Độ tuổi trung bình ở Đức là 46,0 tuổi. 77,69% dân số sống ở thành thị (65.166.307 người vào năm 2019). Nên nước Đức đang thiếu rất nhiều các bạn lao động trẻ, làm việc trong các lĩnh vực như: Điều dưỡng, nhà hàng, dọn dẹp khách sạn, siêu thị, xây dựng, chế biến thực phẩm,… (Những việc mà người Đức thiếu nhân lực trầm trọng). Cho nên, nếu thực sự bạn xác định muốn ở lại làm việc lâu dài, thì cần phải chuẩn bị một thái độ rất nghiêm túc và học những công việc như trên. Trong trường hợp bạn thực sự xuất sắc, thì các bạn sẽ được thoải mái lựa chọn học đại học với những công việc như nghiên cứu, IT,…

Nhiều bạn được tư vấn đi làm nghề điều dưỡng, nhưng không hề hiểu thực tế công việc ấy thế nào, thấy tư vấn nói là lương cao nên cũng cứ đi theo phong trào. Chính vì vậy khi sang làm một thời gian, không phù hợp lại bỏ ngang chương trình. Như vậy bạn sẽ rất vất vả và khó khăn khi lựa chọn định hướng lại ngành nghề mới…

Vì vậy, để ở lại định cư và làm việc lâu dài được thì bạn cần phải tốt nghiệp cao đẳng nghề, đi làm công việc có thu nhập ổn định, tuân thủ các quy định pháp luật của nước sở tại,… Khi đó bạn mới có thể ở lại. Chứ không phải là cứ sang học, dễ dàng ở lại định cư được đâu các bạn nhé. Nó không dễ dàng như những gì bạn vẫn nghe.

2.4. Trở ngại văn hóa, luật pháp,…

Khi còn ở Việt Nam, các bạn thường chỉ có việc học tiếng mà chưa được tìm hiểu về văn hóa, luật pháp,… của nước Đức, nên khi mới bước sang môi trường mới rất nhiều bạn bị sốc văn hóa. Đơn giản như văn hóa ẩm thực, ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều đồ ăn ngon, phù hợp với khẩu vị người Việt. Khi sang Đức thì chủ yếu là ăn bánh mì, bơ,…các thực phẩm như rau củ, trái cây bị hạn chế trong khẩu phần ăn, nên có nhiều bạn không ăn được, dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Các anh chị ở châu Âu đều biết tính tự giác của người dân rất cao. Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, người dân sẽ chủ động mua vé và quét vé. Chỗ ra vào nhà ga không có cửa hay người soát vé, họ sẽ kiểm tra xác suất. Nếu phát hiện không mua vé thì sẽ bị phạt rất nặng, nhiều bạn mới sang cứ nghĩ là đi miễn phí cộng với không thấy người kiểm soát đầu vào và đầu ra nên cứ hồn nhiên đi tầu điện, xe bus “chùa” vô tình đến một ngày “đen” gặp nhân viên kiểm tra việc mua vé thì… lúc đó thì sẽ bị phạt rất nặng.

Ở Việt Nam thì đi khoảng 500 m cũng lôi xe máy ra để đi lại cho đỡ mỏi chân. Khi sang Đức rồi thì có khi phải đi bộ hàng km mới ra được tới ga để đi tàu điện. Nên nhiều bạn thời gian đầu bị sưng chân do phải đi bộ và đứng nhiều quá. Cho nên, muốn đi du học Đức các bạn cần phải chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt.

Trên đây là những chia sẻ từ KEY EDU, chúng tôi đã khảo sát được từ nhiều du học sinh diện du học nghề Đức. Hy vọng sẽ mang lại cho các bạn những thông tin hữu ích.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02466629199
challenges-icon chat-active-icon